Chăm sóc sức khỏe
UNG THƯ GAN - LOẠI UNG THƯ PHỔ BIẾN NHẤT VÀ THƯỜNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN Ở GIAI ĐOẠN CUỐI
Ung thư gan (UTG) là loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam, điểm đáng lưu ý là loại ung thư này có thể phòng ngừa được (y học có thể giúp làm giảm rất đáng kể khả năng xảy ra UTG cho bệnh nhân), có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả UTG. Nhưng điều đáng buồn là bệnh vẫn xảy ra nhiều và phần lớn bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn cuối nên việc điều trị rất khó khăn, khả năng sống còn thấp.

Hầu hết bệnh nhân UTG đều bất ngờ vì họ không có triệu chứng gì rõ ràng trước đó. Thực ra họ có mắc một trong các bệnh viêm gan mạn tính (BVGMT) từ nhiều năm trước. Trong y khoa, BVGMT được xem là "sát thủ thầm lặng" vì thường không có triệu chứng, nhưng sau nhiều năm chúng có thể dẫn đến biến chứng UTG.
Các BVGMT bao gồm:
- Viêm gan siêu vi B mạn tính: nguyên nhân số 1 gây UTG ở Việt Nam
- Viêm gan siêu vi C mạn tính
- Viêm gan do bia rượu
- Gan nhiễm mỡ
- Tăng men gan do một số nguyên nhân khác.

Vì BVGMT rất thầm lặng, không có biểu hiện triệu chứng gì, một số bệnh nhân UTG không hề biết mình có BVGMT trước đó. Mặc dù chi phí khám tầm soát các BVGMT không cao, nhưng nhiều người lại chủ quan bỏ qua việc quan trọng này cũng vì thấy cơ thể bình thường, không có triệu chứng.
Một số bệnh nhân lại biết rõ họ đang mắc BVGMT nhưng không điều trị và theo dõi, hoặc điều trị không phù hợp (thảo dược...), hoặc là tự ngưng thuốc đặc trị, không tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ, cũng vì thấy cơ thể bình thường.
Đặc biệt một số người có cha mẹ hoặc anh em ruột mắc bệnh UTG, nhưng họ không lưu ý vì thấy cơ thể bình thường. Người thân của người mắc UTG sẽ có nguy cơ UTG khá cao, do đó họ nên đi khám tầm soát xem có mắc BVGMT hay không, nếu có thì cần điều trị và theo dõi cẩn thận.

Ngoài ra, một số bệnh nhân cùng lúc có nhiều BVGMT khác nhau (ví dụ cùng lúc có viêm gan siêu vi B và C, hoặc có viêm gan siêu vi B nhưng lại uống bia rượu nhiều, hoặc viêm gan siêu vi B kèm theo có gan nhiễm mỡ…) hoặc tình trạng bệnh đã diễn tiến đến xơ gan, nhưng họ cũng chủ quan không theo dõi và điều trị, cuối cùng mắc phải UTG. Người có cùng lúc nhiều BVGMT khác nhau, hoặc có xơ gan thì đều có nguy cơ cao xảy ra UTG.

Trái ngược với những bệnh nhân ở trên, nhiều bệnh nhân có BVGMT đến điều trị và theo dõi định kỳ với bác sĩ chuyên khoa, nên tránh được biến chứng UTG bởi vì việc điều trị BVGMT sẽ làm giảm rất đáng kể nguy cơ xảy ra UTG. Chỉ một số rất ít bệnh nhân vẫn bị biến chứng UTG, nhưng họ được bác sĩ phát hiện sớm khi khối u còn nhỏ (bác sĩ định kỳ thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm gan mỗi 3 tháng để phát hiện sớm UTG) và khối u vẫn được điều trị hiệu quả, bệnh nhân sống được nhiều năm.
Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm là “UTG là hậu quả của các BVGMT, việc tầm soát sớm, theo dõi và điều trị BVGMT đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa xảy ra UTG”.

TS. BS ĐINH THẾ TRUNG
Chuyên khoa Gan
Tiến sĩ Đơn vị Nghiên cứu Lâm Sàng Đại học Oxford
Đào tạo nâng cao về bệnh gan tại BV Đại học Bristol (Anh Quốc)
Từng công tác nhiều năm về bệnh gan tại các BV công và tư lớn